Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ tắm Phật trong ngày Phật Đản

Phong tục tập quán của người Việt

Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ tắm Phật trong ngày Phật Đản

Ngày đăng: 03-05-2017 | Lượt xem: 6041

Hằng năm, vào ngày lễ Phật đản, các chùa thường tổ chức lễ Tắm Phật. Phật tử sắp thành hàng dọc, vừa tụng kệ chú tắm Phật vừa tiến đến trước tượng Phật, múc một muỗng nước chế lên tượng Phật. Vậy nghi thức Tắm Phật có ý nghĩa gì?

1. Nguồn gốc lễ Phật Đản

Nguồn gốc của Lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni:

- Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.

- Riêng kinh Phổ diệu thì ghi lại rằng lúc ấy từ trên hư không có chín con rồng phun nước xuống để tắm cho thái tử.

- Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý cõi trời nâng thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử.

phat-dan-sanh

Phật Đản Sanh

Có lẽ chính sự cung kính của chư thiên đối với sự kiện Đản sanh của thái tử được mô tả trong các bản kinh này đã tạo nguồn cảm hứng để về sau trong mùa Phật đản, người Phật tử thường tôn trí tượng Đản sanh trong một bồn hay thau sạch và quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó trang nghiêm, dùng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm Phật nhằm tưởng nhớ đến ân đức của Đức Phật và bày tỏ niềm tôn kính sâu xa đối với Ngài.

2. Nghi lễ tắm Phật và ý nghĩa

Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm Phật đản sanh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người.

Để thực hiện Lễ tắm Phật, trước phải trần thiết bàn thờ với đầy đủ hương hoa, thỉnh tôn tượng Phật sơ sinh để trong chậu hoặc thau lớn tinh sạch. Chuẩn bị nguyên liệu nấu nước thơm tắm Phật. Ở nước ta, các Phật tử thường nấu nước với hoa lài, hoa cúc, quế…, chờ nước nguội đổ vào chậu và rải thêm hoa lài vào nước tắm Phật. Có nơi giản tiện thì dùng nước mưa, nước lọc tinh sạch nấu chín (vì làm lễ xong có một vài người thọ dụng). Theo Dục Tượng Công Đức kinh: “Phải dùng các thứ diệu hương như Ngưu đầu, Chiên đàn, Tử đàn, Đa ma la hương, Cam tùng, Bạch đàn, Uất kim, Long não, Trầm hương, Xạ hương, Đinh hương... làm thành nước thơm đựng ở trong chậu sạch”. Nước tắm Phật phải là nước tám công đức, vì vậy người chuẩn bị nước cần phải thành tâm, tin tưởng trọn vẹn vào công đức tắm Phật mới thành tựu như nguyện.

tam-phat

Nghi lễ Tắm Phật

Đến giờ hành lễ, đạo tràng trì tụng kinh sám theo nghi thức lễ tắm Phật. Đến đoạn tắm Phật, mọi người đồng tụng kệ và chú Tắm Phật rồi tuần tự đi đến lễ đài tôn trí tượng Phật sơ sinh chắp tay thành kính đảnh lễ, múc nước nhẹ nhàng tưới lên hai vai của Ngài. Trong lúc tắm Phật, mỗi người cần lắng lòng thanh tịnh quán tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư. Những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê của bản thân nhờ công đức này mà được tẩy sạch. Những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được xóa tan. Thân tâm trở nên thanh tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.

Bài kệ chú tắm Phật:

"Ngã kim quán mộc chư Như Lai

Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ

Ngũ trược chúng sanh tịnh ly cấu

Đồng chứng Như Lai tịnh Pháp thân

Tỳ Gia thành lý vị tằng sanh

Sa La thọ gian vị tằng diệt

Bất sanh bất diệt lão Cồ Đàm

Nhãn trung khán kiến trùng thiên tiết

Kim triêu chính thị tứ ngoạt bát

Tịnh Phạn vương cung sanh Tất Đạt

Cửu long phúng thủy thiên ngoại lai

Bỗng túc Liên Hoa tùng địa phát

Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát phạ ha."

Theo dòng lịch sử dân tộc, lễ Phật đản cùng nghi thức Tắm Phật, đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong văn hóa Việt Nam. Người con Phật với lòng tôn kính Tam Bảo, trên nền tảng của chánh kiến, mỗi khi thắp một nén hương, dâng một cành hoa lên đức Phật, hay rưới những gáo nước thơm tinh khiết lên tôn tượng Như Lai, với một tâm niệm nguyện quay về nương tựa với giác tánh nơi tự tâm, trang nghiêm cho chính mình bằng hương thơm đức hạnh, bằng cành hoa trí tuệ và bằng nước từ bi nhẫn nhục, để có khả năng tùy thuận thích ứng với mọi duyên thuận, nghịch, chuyển hóa tự thân, trang nghiêm tịnh độ. Phải chăng trong giây phút cảm ứng mầu nhiệm, ta cũng thấy được mình đang tắm gội đức Phật của chính mình. Đúng như câu châm ngôn: “Trang nghiêm tự thân chính là trang nghiêm Giáo hội”.

 

Tags: tắm phật, lễ tắm phật, tam phat, le tam phat la gi, nguon goc le tam phat, le phat dan, mua phat dan, ngay phat dan,y nghia le tam phat

banner-contact

CÔNG TY TNHH KỸ NGHỆ NÔNG NGHIỆP TRỌNG TRÍ TÍN

SHOWROOM "ĐỒ ĐỒNG VIỆT DOVI" & VP: Tòa B09 Lê Văn Tám (Chợ cây Vạn Phúc), Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại: 0972 465 914 - 0947 450 648 - Email: dothocungviet@gmail.com

Mã số thuế: 0109379202 -  Tài khoản: 33678888 - Ngân hàng Á Châu (ACB) - PGD Hà Đông

Chat Live Facebook