Ngày đăng: 16-09-2014 | Lượt xem: 3585
Tổ tiên nghìn xưa muốn nói gì khi chạm khắc những hình người và động vật, những hoa văn trang trí trên trống đồng? (Giáo sư Hà Văn Tấn)
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký công nhận một số lượng bảo vật quốc gia theo Luật Di sản văn hóa. Chúng tôi tin tưởng rằng, trống đồng Ngọc Lũ hoàn toàn xứng đáng giữ một vị trí đặc biệt cao quý.
Hài hòa và hoàn mỹ
Ở mỗi dân tộc, trong buổi bình minh lịch sử của mình thường được đánh dấu bằng một công trình xây dựng kỳ diệu, như những kim tự tháp đồ sộ của Ai Cập cổ, hoặc một vật tiêu biểu như tượng thần Dớt ở Olympia của Hy Lạp cổ. Trong thời kỳ hình thành và phát triển của nền văn minh Việt cổ, dân tộc ta đã có một loại di vật tiêu biểu tượng trưng xứng đáng của mình.
Đó là trống đồng. Là sản phẩm của thời kỳ cực thịnh của Nhà nước Văn Lang, trống đồng đã đi vào lịch sử nước ta như một kỳ công tuyệt diệu. Cái tên trống đồng Ngọc Lũ với hình dáng cân đối hài hòa, phủ kín mình những hoa văn đẹp nhất, đã từ lâu rồi, không chỉ rất quen biết, thân thiết với chúng ta, mà còn rất nổi tiếng trên thế giới.
Trống đồng Ngọc Lũ có niên đại 2.500 năm cách ngày nay, được xếp vào loại H1 - Heger (theo sự phân loại dựa trên 165 chiếc trống đồng được biết đến thời điểm ấy của học giả F.Héger - người Áo - vào năm 1902), H1 là “loại cổ nhất, cơ bản nhất và từ loại này mà các loại khác ra đời”. Ngọc Lũ là một trong số không nhiều trống đồng giữ vai trò ấy.
Trống có patin màu xanh ngả xám, đường kính mặt 79,3cm, cao 63cm, nặng 86kg, thuộc loại kích thước lớn. Mặt trống đúc liền chờm ra khỏi tang. Tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi. Mặt trống chính giữa đúc nổi ngôi sao 14 cánh bao quanh một mặt tròn nổi, chính là núm để đánh trống. Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình lông công. Bao quanh ngôi sao là 16 vành hoa văn. Vành 1, 5, 11 và 16: Những hàng chấm nhỏ. Vành 2, 4, 7, 9, 13 và 14: Những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành 3: Những hàng chữ ∫ gẫy khúc nối tiếp. Vành 12 và 16: Văn răng cưa. Vành 6, 8 và 10: Hình người và động vật đi quanh ngôi sao theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Trong đó là các nhóm: Người mặc áo lông chim đang nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong, hươu đang đi cùng chim mỏ ngắn bay và chim mỏ dài đứng.
Tang trống chính là chiếc hộp cộng hưởng khuếch đại âm thanh. Phần trên có 6 vành hoa văn hình học. Vành 1 và 6: Những đường chấm nhỏ thẳng hàng. Vành 2 và 5: Văn răng cưa. Vành 3 và 4: Hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song. Phần dưới là 6 chiếc thuyền chuyển động từ trái sang phải, chở chiến binh tay cầm vũ khí và tù binh, xen giữa là những hình chim cò ngậm cá, chó săn được thể hiện theo lối cách điệu. Gắn giữa tang và thân trống là hai đôi quai kép đúc nổi hoa văn bông lúa, đối xứng nhau.
Thân trống hình trụ đứng, là bộ phận nắn âm thanh. Phần giữa của thân có những hoa văn hình học chạy song song cắt nhau tạo thành 6 ô hình chữ nhật. Trong ô là các võ sĩ đầu đội mũ lông chim, tay cầm vũ khí vừa đi vừa múa. Phần dưới của thân là ba vành hoa văn hình học, giữa là vành văn vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Hai bên là hai đường chấm nhỏ. Ngoài cùng là hai đường chỉ trơn.
Chân trống nở choãi hình nón cụt là cửa mở để âm thanh của trống thoát ra và tỏa rộng nhanh chóng, không trang trí. Rìa mặt trống có vết lõm nhỏ, đó là dấu vết của những con kê để lại khi đúc trống.
Tên của Ngọc Lũ – chiếc trống Đông Sơn cổ nhất, đẹp nhất và còn nguyên vẹn này - vốn không phải địa danh của nơi phát hiện như người ta thường nghĩ với các chiếc trống khác. Trong “Quản lý văn vật”, tháng 12 năm 1965 (Nội san của Vụ Bảo tồn bảo tàng) Trần Huy Bá cho biết: Theo lời cụ Nguyễn Đăng Lập (85 tuổi) - người xã Ngọc Lũ - vào khoảng năm 1893 - 1894, các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người khác đắp đê ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là Lý Nhân) hữu ngạn sông Hồng. Khi đào ở bãi cát bồi thì thấy ở dưới độ sâu 2 mét lộ ra một vật bằng đồng rất lớn, các ông vội lấp đất rồi đến đêm mới kéo ra đào thì thấy một trống đồng, các ông khiêng về cúng vào đình làng Ngọc Lũ. Sau 7 - 8 năm, một họa sĩ người Pháp đến vẽ tại đình thấy trống liền báo cho Công sứ Hà Nam. Nhân có cuộc đấu xảo ngày 15.11.1902 ở Hà Nội, trống được Trường Viễn Đông Bác Cổ mua lại với giá 550 đồng.
Trong tạp chí Khảo cổ học năm 1974, chi tiết về xuất xứ của Ngọc Lũ có khác một chút khi cho rằng người dân đã cúng trống vào chùa Long Đọi Sơn chứ không phải đình làng, cũng thuộc xã Ngọc Lũ, cách nơi phát hiện 30km về phía đông bắc. Chỉ những khi có lễ cúng mới mang trống ra đánh, còn ngày thường để ở hậu cung. Từ năm 1958 đến nay, trống đồng Ngọc Lũ luôn được lưu giữ, trưng bày tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đã có ý kiến đề nghị đổi tên thành Như Trác cho tiêu bản trống đẹp và tiêu biểu nhất này, song trống đã nổi tiếng từ lâu với tên Ngọc Lũ, và một sự thay tên như thế cũng không cần thiết, về mặt khoa học.
Trống đồng Ngọc Lũ thuộc sưu tập trống đồng Đông Sơn là đại diện loại hình hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Trong hàng ngàn chiếc trống được phát hiện từ trước đến nay (không hề có chiếc nào giống nhau hoàn toàn), trống đồng Ngọc Lũ vẫn là chiếc trống có kiểu dáng và kích thước hài hòa nhất, trang trí hoàn mỹ và phong phú nhất.
Hàm chứa những ý nghĩa sâu kín
Trống đồng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong sinh hoạt đa dạng của cư dân xã hội Đông Sơn. Về cơ bản thì trống là một nhạc khí dùng trong những lễ tiết lớn của cả cộng đồng. Trống đồng còn được dùng trong lễ mai táng chôn theo người chết, trong lễ hội cầu mùa và là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thống trị thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Trống đồng là một "nhân chứng" lịch sử nói lên tài năng, kỹ thuật tuyệt vời của chủ nhân đã sáng tạo ra chúng. Điều đó được chứng minh bằng việc trống đồng Ngọc Lũ đã được đúc thể nghiệm rất nhiều lần nhưng vẫn không có được sự thành công thực sự như người xưa.
Theo tác giả Nguyễn Văn Huyên trong bài “Từ chia loại, chia nhóm đến tìm hiểu niên đại và quê hương của trống đồng”, thời đại đồng thau ở nước ta kết thúc vào buổi đầu thời Đông Hán, nghĩa là khoảng TK thứ 1 sau Công nguyên. Nhưng niên đại của trống H1 chưa chấm dứt ở đây, mà kéo dài thêm vài thế kỷ nữa. Điều này cũng dễ hiểu vì khi bước sang thời đại sắt, các công cụ và vũ khí chủ yếu dần được thay thế bằng sắt, như Enghen nói, do tính ưu việt của nó, nên chỉ có sắt mới có thể thay thế hoàn toàn được gỗ, đá, mới nâng cao được năng suất lao động và hiệu quả chiến đấu. Nhưng đến lúc đó, trống lại vẫn cần thiết được đúc bằng đồng, bởi vì đồng dễ nóng chảy, dễ đúc, không vỡ khi đánh và có âm hưởng tốt.
Với những đặc tính đó, đồng vẫn giữ nguyên tính chất ưu việt trong việc đúc trống, mà sắt không thể nào thay thế được. Điều đó giải thích sự tồn tại dai dẳng của trống đồng H1 nói riêng và trống đồng nói chung. Đó là điều khiến chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trống đồng còn được chế tạo và lưu hành mãi đến thời cận hiện đại. Năm 1293, Trần Phu - sứ nhà Nguyên - đến Thăng Long, làm thơ: “Kim qua ảnh lý đan tâm khổ, Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh…” (Bóng lòe gươm sắt lòng đau khổ, nghe tiếng trống đồng tóc bạc trắng). Ông cũng cho rằng, trống đồng là loại vật báu của phương Nam mà người Hán không có.
Việt Nam là quê hương của trống đồng. Mật độ phân bố các trống H1 ở nước ta rất dày đặc ở rất nhiều tỉnh, tập trung ở ven các sông lớn, nơi người Việt cổ cư trú, đặc biệt là khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Nhìn vào bản đồ, ta có thể dễ dàng nhận thấy địa bàn phân bố trống đồng trùng khít với cương vực nước Văn Lang của các vua Hùng. Chẳng những nước ta là nơi phát hiện được nhiều trống đồng H1 nhất thế giới, mà còn là nơi có nhiều trống có niên đại sớm nhất. Trong 4 chiếc trống nhóm A (nhóm cổ nhất trong trống H1) thì ở nước ta đã có tới 3 chiếc. Nước ta cũng là nơi đã tìm được nhiều trống H1 nhất, có quá trình phát triển liên tục từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn, giai đoạn tàn dư của trống đồng H1.
Ở các vùng xung quanh nước ta, thường chỉ phát hiện được những trống đồng H1 có niên đại tương đối muộn hoặc rất muộn về sau. Tất cả những điều đó chứng tỏ Việt Nam là quê hương của trống đồng, trung tâm đầu tiên chế tạo ra những trống đồng cổ nhất. Từ Việt Nam, nền văn hóa Đông Sơn nói chung, của trống đồng nói riêng, đã ảnh hưởng đến các vùng xung quanh. Chúng ta cũng còn thấy trên các hình thuyền của các trống đồng cổ nhất thường có chở những trống đồng. Đó là những thuyền lớn có thể vượt biển được. Điều đó chứng tỏ từ Việt Nam, trống đồng đã đi vào nhiều nước xung quanh thông qua con đường trao đổi buôn bán hoặc chiến tranh, mà phương tiện giao thông theo các sông lớn và biển là chính. Nhiều học giả phương Tây cũng thừa nhận như thế.
Tác giả Lưu Trần Tiêu và Nguyễn Minh Chương trong bài “Niên đại trống Đông Sơn” đã nhận định: “Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà là những trống nổi tiếng và tuyệt đẹp. Một trình độ hoàn mỹ, với kiểu dáng và hình thức trang trí đẹp nhất của các loại trống đồng tìm được từ trước tới nay. Chính Heger cũng cho rằng: “2 chiếc trống này (trống Sông Đà và trống Gi-lê ) là quan trọng nhất trong tất cả mọi chiếc trống được biết cho tới ngày nay”. Lúc này Heger chưa biết đến trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, và căn cứ vào những hình thức trang trí thì những chiếc trống này là cổ nhất, đó là một điều không thể chối cãi được... Có lẽ có thể tìm được những chiếc trống đồng cổ hơn trống Ngọc Lũ, bởi vì ngay sau khi ra đời, trống đồng không thể lập tức đạt đến một trình độ hoàn mỹ như vậy được. Những phát hiện trong thời gian gần đây chứng tỏ rằng, trong lòng đất Việt Nam còn giấu kín khá nhiều trống đồng và có thể có những điều rất thú vị mà chúng ta chưa thể lường trước được”.
Nhiều bài viết, kể cả một số bài nghiên cứu công phu đã chứng minh mối liên quan có nguồn gốc hữu cơ giữa các hoa văn trang trí trên trống đồng với các hoa văn trang trí trên đồ gốm của các nền văn hóa khác, từ hậu kỳ thời đại đá mới đến thời đại đồng thau và thời đại sắt sớm trên đất nước ta, từ văn hóa Phùng Nguyên, qua các giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, đến văn hóa Đông Sơn, những hoa văn chấm nhỏ thanh tú hợp thành dải, hoa văn chữ S đa dạng, hoa văn làn sóng uốn khúc, hoa văn hình tam giác hay răng cưa, hoa văn vạch thẳng hay vạch xiên song song cùng nhiều loại hoa văn khác nữa là bằng chứng không thể phủ nhận, nói lên tính cách truyền thống của nghệ thuật trang trí lâu đời của dân tộc ta.
GS Hà Văn Tấn từng đặt câu hỏi: “Người Phùng Nguyên đã trao lại những gì cho người sáng tạo những chiếc trống đồng nổi tiếng? Có thể trả lời câu hỏi đó được chăng, khi văn hóa Phùng Nguyên cách văn hóa Đông Sơn hơn mười thế kỷ? Tổ tiên nghìn xưa muốn nói gì khi chạm khắc những hình người và động vật, những hoa văn trang trí trên trống đồng? Đó là những bức tranh hiện thực, những đường nét trang trí mang tính thẩm mỹ đơn thuần hay những hình tượng đã mã hóa, chứa đựng những ý nghĩa sâu kín, có thể liên quan đến tôn giáo hay lịch pháp?” Công việc giải mã thứ ngôn ngữ đó tất nhiên không phải dễ dàng, và ông đã chỉ ra mối quan hệ ấy, giữa ngôn ngữ trống đồng và ngôn ngữ đồ gốm Phùng Nguyên có những yếu tố “từ vựng” và “ngữ pháp” chung một gốc. Trống đồng Ngọc Lũ đã xuất lộ hơn 100 năm, nhưng vẫn còn đây những bí ẩn truyền kỳ.
Lời cuối, xin được cảm tạ nghệ nhân phục chế trống đồng Thiều Quang Tùng (Đông Sơn, Thanh Hóa) đã cung cấp chi tiết hoa văn trống đồng Ngọc Lũ được chép lại từ phiên bản trống thật và vi tính hóa, để chúng tôi hoàn thành bài viết này.
“Trống Đông Sơn kỳ diệu nhiều mặt, từ hợp kim, cách đúc, thẩm mỹ trong thiết kế đến loại hình và bố cục hoa văn. Trống còn nói lên với chúng ta - những người đời sau - những gì nữa về con người và xã hội đương thời, về ông cha ta thuở dựng nước đầu tiên, về trí tuệ cùng tình cảm và tâm hồn của người xưa, về tinh thần và lý tưởng của xã hội cũ? Còn phải tốn công mới khám phá được hết những gì người xưa muốn nói về mình, đồng thời là để truyền lại đời sau. Nhưng dù chỉ mới thoáng thấy mà thôi, những hình ảnh con người múa hát trên mặt trống, trên sườn trống, dù là nắm gì – nhạc khí hay vũ khí – trong tay, những nét tả con thuyền lướt sóng, con chim đang bay, con nai đang chạy… đều để lại giác quan ta một ấn tượng tươi mát về tấm lòng và về cuộc sống xưa kia được phản ánh lại đây.
Một tấm lòng nồng nhiệt, thiết tha với cuộc sống; một cuộc sống lạc quan, tươi mát, yêu đời và thôi thúc con người hành động. Chẳng chút quá táo bạo khi từ vị trí của những người kế thừa văn minh trống đồng, chúng ta không tự ti trước những kẻ thừa hưởng văn minh kim tự tháp sông Nile, văn minh đỉnh vạc Ân Chu, hoặc nữa, văn minh thành cao Athinai, tượng đá Aphrodite”.
SHOWROOM "ĐỒ ĐỒNG VIỆT DOVI" & VP: Tòa B09 Lê Văn Tám (Chợ cây Vạn Phúc), Hà Đông, Hà Nội
Điện thoại: 0972 465 914 - 0947 450 648 - Email: dothocungviet@gmail.com
Mã số thuế: 0109379202 - Tài khoản: 33678888 - Ngân hàng Á Châu (ACB) - PGD Hà Đông